GẤP GÁP CHUYỂN TỪ LỰA CHỌN THÀNH BẮT BUỘC
Ngày 3.8.2022,ươngtrìnhmônsửcónặngkhichuyểntừlựachọnthànhbắtbuộxổ số thứ năm tuần trước Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo đó, môn lịch sử ở cấp THPT từ chỗ "là môn học thuộc nhóm khoa học xã hội, được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp" trở thành môn học thuộc nhóm khoa học xã hội, gồm 2 phần: phần bắt buộc đối với tất cả học sinh (HS) và phần lựa chọn cho HS chọn môn lịch sử theo định hướng nghề nghiệp.
Khi chuyển từ môn học lựa chọn thành bắt buộc, môn lịch sử là môn học bắt buộc có thời lượng 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ thời lượng 70 tiết/năm). Chuyên đề học tập lựa chọn lịch sử gồm 35 tiết/năm (theo Thông tư 32/2018). Bộ GD-ĐT yêu cầu: "Việc điều chỉnh chương trình đảm bảo sử dụng được SGK lớp 10 đã biên soạn". Giáo viên (GV) đã được tập huấn thực hiện chương trình 70 tiết/năm nên đủ năng lực để dạy 52 tiết/năm (trong số 70 tiết/năm). Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tập huấn GV cốt cán để triển khai tập huấn đại trà.
Năm học 2022 - 2023, việc dạy học môn lịch sử được triển khai đối với lớp 10 trong bối cảnh SGK chưa kịp điều chỉnh và biên soạn mới theo Thông tư 13. Nhiều thầy cô cho biết với tình yêu nghề, trách nhiệm và năng lực chuyên môn đã rất cố gắng vận dụng những lý luận mới, kết hợp kinh nghiệm vào thực tiễn để không ngừng nâng cao vị thế và chất lượng dạy học lịch sử theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực HS. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng đối mặt nhiều khó khăn, rào cản...
Cũng vì thiết kế ban đầu của Chương trình GDPT 2018, môn lịch sử chỉ bắt buộc đến hết cấp THCS nên nhiều nội dung lẽ ra như chương trình hiện hành lên đến cấp THPT mới học thì đã được dồn nén xuống cấp THCS. Điều này nhằm đảm bảo HS lên cấp THPT dù không chọn lịch sử để học nữa thì vẫn đủ kiến thức nền tảng, căn bản về môn học này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến GV và chuyên gia đã chỉ ra rằng việc thay đổi môn lịch sử thành môn bắt buộc ở cấp THPT vào phút chót khi mà chương trình SGK đã biên soạn xong khiến việc sửa chữa chương trình là không thể. Do vậy, việc bắt buộc học sử ở cả hai cấp đều nặng nề. Theo GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đồng chủ biên SGK lịch sử - địa lý cấp THCS của một bộ sách, một khối lượng kiến thức gần như của THPT trước đây được dồn nén vào THCS. Nội dung kiến thức nặng nề nhất là ở lớp 9. Khi biên soạn SGK lịch sử lớp 9, hầu như các tác giả đều nhận thấy điều này. Nhiều người còn so sánh với chương trình lịch sử lớp 10, 11 (phần chủ đề đã sửa đổi) thì nội dung kiến thức chương trình lịch sử lớp 9 có cảm giác nặng hơn.
Lên đến lớp 10, 11, vì thiết kế môn học tự chọn dành cho HS thực sự yêu thích và có năng lực về môn học này mới chọn học nên thực tiễn triển khai cho thấy, có những nội dung kiến thức nặng. Ngay từ những bài đầu ở lớp 10 đã rất khó so với kiến thức cơ bản…
KHÁI NIỆM KHÓ HIỂU ?
Một số HS lớp 10 đang học tại Q.1, TP.HCM cho hay ngay những bài đầu tiên của môn sử, em đã thấy những khái niệm, định nghĩa khó hiểu như hiện thực lịch sử, lịch sử được con người nhận thức, hiện thực khách quan, văn minh thế giới… khác với những sự kiện lịch sử như hồi học ở THCS. HS này lấy ví dụ trong bài "Hiện thực lịch sử và lịch sử được con người nhận thức", có những câu như: "Con người có khả năng nhận thức hiện thực khách quan, vì vậy, lịch sử còn là hiện thực khách quan có thể nhận thức được", "Giữa hiện thực lịch sử và lịch sử được con người nhận thức luôn có khoảng cách, dù cố gắng nhưng con người vẫn chưa thể nhận thức và tái hiện hoàn toàn đầy đủ hiện thực lịch sử đã xảy ra"…
Trong khi đó, Thảo Uyên và nhóm bạn học cùng lớp 10C21 Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) lại cho hay thích thú với những chuyên đề, cách tiếp cận kiến thức môn lịch sử lớp 10. Thảo Uyên giải thích: "Chương trình lịch sử lớp 10 khiến chúng em thoải mái hơn, không có nhiều số liệu mà bao quát hơn. Hồi học cấp 2, với nội dung chi tiết khiến chúng em học kỹ hơn, phải nhớ kỹ ngày, tháng, năm, nếu sai một cái là sai hết luôn. Còn giờ bài học với khái niệm thì dễ dàng học hơn. Thêm vào đó thầy cô cũng hỏi nhiều hơn, sau khi HS trả lời thì thầy cô đưa ra kết luận chứ không đọc, ghi chép y chang SGK như trước đây".
GIÁO VIÊN PHẢI THAY ĐỔI CÁCH DẠY
Một GV dạy lịch sử tại Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết: Việc chuyển từ môn tự chọn sang môn bắt buộc về chương trình chắc chắn là nặng so với đại trà HS. Việc giảm tải một số bài tuy đã được cân nhắc nhưng vẫn không tránh khỏi làm ảnh hưởng đến kết cấu logic chương trình. Điều này buộc GV phải chủ động xây dựng bài dạy phù hợp với đối tượng HS.
Bên cạnh đó, theo GV này, chương trình mỗi khối lớp tuy có khác nhau về cấu trúc nội dung nhưng vẫn có tính chất logic hệ thống của bộ môn. Vì vậy, nếu không cân đối các yêu cầu về đề thi thì hiện trạng môn lịch sử không khác gì nhiều lắm so với trước đây, tức là vẫn là môn học khó và điểm số không cao.
Còn cô Phạm Thị Bích Tuyền, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay môn lịch sử là một trong số những môn có nhiều thay đổi. Điểm mới quan trọng nhất trong cách tiếp cận xây dựng chương trình là sự chuyển đổi từ mục tiêu tiếp cận kiến thức sang mục tiêu phát triển năng lực. Theo đó, chương trình được thiết kế theo các chủ đề về lịch sử thế giới, khu vực và VN trên các lĩnh vực: lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng và những chủ đề có tính định hướng.
Ông Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), cũng nhận xét về cơ bản, chương trình lịch sử lớp 10, 11 được viết dưới hình thức các chủ đề cụ thể, nội dung và vấn đề lịch sử được thể hiện sâu sắc hơn, rõ ràng hơn.
Từ những phân tích điểm khác biệt giữa nội dung và cách tiếp cận giữa chương trình mới và chương trình cũ, cô Bích Tuyền cho rằng HS hứng thú hay không còn tùy thuộc vào GV. Phương pháp giảng dạy của GV cũng thay đổi, gắn với thực hành, thực tiễn, thay đổi phương pháp tiếp cận, hướng HS vào giải quyết vấn đề, từ đó đưa ra kết luận, ghi nhớ bài học.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho hay kiến thức chương trình cũ được xây dựng theo hình thức đồng tâm. Tức là kiến thức ở THPT được xây dựng trên cơ sở từ kiến thức bậc THCS và mở rộng ở bậc THPT, sau đó lặp lại. Trong khi ở chương trình mới, kiến thức lại xây dựng theo hình thức chuyên đề cho nên hoàn toàn tách biệt với bậc THCS.
Vì vậy theo thạc sĩ Đăng Du, việc cần điều chỉnh là phương pháp giảng dạy hiện tại của GV. Không nên yêu cầu HS phải nhớ chính xác, đầy đủ những thông tin có trong sự kiện lịch sử mà nên hướng HS đến với cách học cảm nhận, đánh giá sự kiện lịch sử, dùng lịch sử để tạo ra một sản phẩm mang tính cá nhân thì sẽ khiến việc học trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn.
Với chương trình mới này, theo ông Thiều Quang Thịnh, GV và HS phải tích cực thay đổi trong việc dạy và học. (còn tiếp)
Cần chỉnh sửa chương trình và thời lượng phù hợp hơn
GS Đỗ Thanh Bình đề nghị cần sớm đánh giá về thực tế triển khai, sự đáp ứng của GV, cần chỉnh sửa chương trình cho phù hợp hơn. Sớm viết tài liệu bồi dưỡng GV, nhất là những nội dung mới, chưa được cập nhật trong chương trình đào tạo GV dạy lịch sử ở các cơ sở đào tạo GV để GV có thể đảm đương được.
Theo ông Thiều Quang Thịnh, hiện nay môn lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình mới với thời lượng 52 tiết/năm học. Mỗi bài học, mỗi chủ đề đều có yêu cầu cần đạt ở các mức độ khác nhau. Nhưng do thời lượng (số tiết quy định), GV và HS phải cố gắng rất nhiều thì mới đạt được các mức độ yêu cầu của bài học. Hy vọng thời lượng của môn lịch sử có sự thay đổi phù hợp để làm sao bài học lịch sử được truyền tải đầy đủ, mạch lạc và rõ ràng đến với HS.